fbpx

Tập thể dục thường xuyên có thể giúp hỗ trợ giảm cân, hạ đường huyết, kiểm soát bệnh đái tháo đường và phòng ngừa nhiều biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, người bệnh đái tháo đường lại bị tăng đường huyết sau khi tập luyện. Tại sao lại như vậy?

Tại sao đường huyết tăng sau khi tập thể dục?

Theo Trung tâm Đái tháo đường John Hopkins (Mỹ), nguyên nhân chủ yếu khiến lượng đường huyết tăng cao sau khi tập thể dục là do chúng đã ở ngưỡng quá cao ngay từ trước khi tập luyện. Điều này đặc biệt đúng nếu chỉ số đường huyết của bạn trước khi tập luyện cao hơn 250mg/dL.

Khi tập thể dục, cơ thể sẽ phải cung cấp năng lượng cho các tế bào. Năng lượng này sẽ được lấy từ glucose trong máu, cũng như glucose lưu trữ trong cơ thể. Tuy nhiên, để chuyển hóa glucose thành năng lượng, cơ thể sẽ cần tới hormone insulin.

Với người bệnh đái tháo đường type 2, cơ thể không thể sản sinh đủ hoặc không sử dụng insulin đúng cách nên glucose có thể bị tích tụ trong máu và khiến đường huyết tăng cao.

Làm sao để ngăn ngừa tình trạng tăng đường huyết sau tập thể dục?

Để tránh đường huyết tăng cao sau tập thể dục, người bệnh đái tháo đường cần đo đường huyết trước khi tập và chú ý chọn cường độ tập phù hợp.

Người bệnh đái tháo đường nên chú ý đo đường huyết và chọn bài tập phù hợp

Đo đường huyết trước khi tập thể dục

Các chuyên gia khuyến cáo người bệnh đái tháo đường nên đo đường huyết 2 lần trước khi tập thể dục. Lần đầu tiên là 30 phút trước khi tập luyện và lần thứ hai là ngay trước khi bắt đầu tập thể dục. Tốt hơn hết, bạn chỉ nên tập luyện khi chỉ số đường huyết nằm trong ngưỡng từ 100 – 250mg/dL.

Tuyện đối không tập thể dục nếu chỉ số đường huyết của bạn trên 300mg/dL, chỉ số đường huyết lúc đói trên 250mg/dL hoặc xét nghiệm nước tiểu dương tính với ketone – một sản phẩm phụ của quá trình chuyển hóa chất béo.

Nếu chỉ số đường huyết của bạn chỉ hơi cao, tập thể dục nhẹ nhàng, tập các bài tập cường độ thấp có thể giúp hạ đường huyết. Tuy nhiên, người bệnh đái tháo đường vẫn nên trao đổi với bác sỹ để xác định mức độ tập luyện an toàn cho mình.

Chọn cường độ tập phù hợp

Tập thể dục đều đặn, vừa sức có thể giúp kiểm soát bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên, tập luyện quá sức lại có thể gây hại cho sức khỏe. Trung tâm Đái tháo đường John Hopkins (Mỹ) cho biết, tập thể dục quá sức có thể làm tăng nồng độ hormone adrenaline, từ đó kích thích gan giải phóng thêm glucose vào máu.

Tuy nhiên, nếu không thể chuyển hóa hết lượng glucose này, chúng sẽ tích tụ trong máu và khiến lượng đường huyết tăng cao. Do đó, bạn chỉ nên tập thể dục vừa sức để tăng nhịp thở, nhịp tim, tránh tập luyện tới mức kiệt sức.

Tốt nhất, nếu mới bắt đầu thói quen tập thể dục, người bệnh đái tháo đường nên bắt đầu chậm bằng cách đi bộ 10 – 20 phút/ngày. Sau đó tăng dần cường độ và duy trì tập 30 – 45 phút mỗi ngày.

Về lâu dài, tập thể dục vẫn mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh đái tháo đường. Vì vậy, nếu thấy đường huyết tăng cao sau khi tập thể dục, đừng quá lo lắng và từ bỏ việc tập luyện. Thay vào đó, hãy áp dụng các lưu ý trên để đưa đường huyết trở về giới hạn cho phép.

Ngoài ra, để tăng hiệu quả ổn định đường huyết, bạn vẫn cần dùng thuốc đúng chỉ định, ăn uống khoa học và có thể kết hợp thêm các sản phẩm từ thảo dược.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, những thảo dược như lá xoài, lá neem, hoàng bá, quế chi, mướp đắng có thể giúp cân bằng quá trình rối loạn chuyển hóa đường trong cơ thể, nhờ đó giúp ổn định đường huyết hiệu quả hơn. Thực tế, đây cũng là giải pháp được nhiều người bệnh đái tháo đường áp dụng thành công.

Theo Livestrong

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *