Hematocrit (HCT) là chỉ số cơ bản và khá quan trọng trong xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi được sử dụng trong hầu hết các xét nghiệm máu. Chỉ số HCT sẽ giúp chuẩn đoán các bệnh rối loạn máu, thiếu máu, tủy xương, các bệnh về phổi, thiếu dinh dưỡng hay rất nhiều vấn đề sức khỏe khác.
1. Chỉ số HCT trong xét nghiệm máu là gì
HCT là thước đo tỉ lệ thể tích hồng cầu trong thể tích máu toàn phần, cho biết cơ thể có quá nhiều hay quá ít tế bào hồng cầu, kết quả này được dùng để chẩn đoán một số bệnh lý về hồng cầu. Chỉ số HCT rất quan trọng vì các tế bào hồng cầu cần thiết cho sự sống, chứa một thành phần protein quan trọng là hemoglobin liên kết với oxy, cung cấp năng lượng cho tất cả các tế bào trong cơ thể.
Khi các tế bào hồng cầu đi qua phổi, chúng sẽ liên kết và vận chuyển oxy đến các tế bào khác trong cơ thể,. Khi trở lại phổi, chúng mang theo cacbonic để thở ra bên ngoài. Chỉ số HCT được coi là một phép đo quan trọng giúp xác định cơ thể có đủ tế bào hồng cầu để vận chuyển và phân phối oxy hay không. Tuy nhiên tỉ lệ phần trăm tế bào hồng cầu trong máu có thể thay đổi phụ thuộc vào nhiều yếu tố như độ tuổi, lối sống hay môi trường. Ví dụ như số lượng tế bào hồng cầu có xu hướng tăng lên ở những người sống các vùng có độ cao lớn.
2. Khi nào cần kiểm tra nồng độ hematocrit?
Có rất nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến quá trình sản xuất hồng cầu hoặc vòng đời của chúng. Do đó bác sĩ thường sẽ dùng xét nghiệm hematocrit để xác nhận xem số lượng tế bào hồng cầu của một người có ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe hay không. Nồng độ hematocrit thường là một phần của công thức máu toàn phần giúp kiểm tra các thông số như:
- Số lượng tế bào máu
- Hemoglobin
- Hematocrit
- Bạch cầu
- Tiểu cầu
Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ thu thập các thông tin về giới tính và tuổi tác của một người nhằm có cơ sở để chẩn đoán một số tình trạng liên quan đến máu như thiếu máu hồng cầu liềm. Ngoài ra tình trạng cô đặc máu do mất nước cũng làm tăng nồng độ hematocrit, vì vậy xét nghiệm sẽ có tác dụng định hướng các trường hợp mất nước nghiêm trọng gây ra các triệu chứng của bệnh. Hematocrit còn được dùng để đánh giá ảnh hưởng của hoá trị liệu lên tuỷ xương bệnh nhân ung thư.
3. Những nguyên nhân gây ra bất thường về chỉ số HCT
Những trường hợp chỉ số HCT tăng cao hơn bình thường có thể do:
- Bệnh tim
- Bệnh về tủy xương
- Nghiện thuốc lá
- Khó thở khi ngủ
- Sử dụng hormone testosterone
- Ngộ độc CO
Các trường hợp chỉ số HCT giảm thấp hơn so với bình thường do:
- Mất máu
- Thiếu máu thiếu sắt
- Bệnh lý về tủy xương
- Thừa nước trong cơ thể
- Ung thư giai đoạn di căn tủy
- Phụ nữ mang thai
- Bệnh tuyến giáp
- Tan máu bẩm sinh
- Thiếu vitamin B12, B6, folate,…
4. Làm thế nào để giữ ổn định chỉ số HCT
Để chỉ số HCT trở về bình thường thì việc đầu tiên là xác định nguyên nhân gây tăng giảm HCT bất thường, đồng thời áp dụng phương pháp điều trị triệt để. Bên cạnh việc tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ về liều lượng và thời gian sử dụng thuốc, người bệnh có thể lưu ý thêm các vấn đề sau:
- Xây dựng chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất, nên lựa chọn các thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo an toàn thực phẩm. Nếu chỉ số HCT thấp vì bệnh nhân thiếu máu thiếu sắt thì trong chế độ ăn của bệnh cần bổ sung nhiều thực phẩm giàu sắt, như các loại thịt đỏ, gan động vật, cá, đậu phụ, hoa quả sấy, rau lá xanh, quả hạch, bánh mì trứng,… Lưu ý nên bổ sung vitamin C để cơ thể hấp thụ sắt tốt hơn. Hạn chế các thức ăn chế biến sẵn, đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ,…
- Xây dựng lối sống lành mạnh, tập luyện hàng ngày, rèn luyện sức khỏe, nâng cao sức đề kháng và phòng tránh bệnh tật hiệu quả. Vận động mỗi ngày cũng giúp tinh thần thoải mái hơn, tránh thức khuya, bỏ thuốc lá, rượu bia, làm việc trong môi trường thông thoáng, sạch sẽ,…